Đối với nhiều bà con chăn nuôi trâu bò thì không còn quá xa lạ với căn bệnh viêm vú ở trâu, bò. Bệnh gây thiệt hại lớn trên bò sữa, ảnh hưởng đến sức khỏe của con non khi uống sữa từ trâu, bò mẹ bệnh. Để hiểu hơn về nguyên nhân gây bệnh và cách phòng trị bệnh viêm vú trên trâu, bò. Thì xin mời bà con chăn nuôi cùng đọc qua bài viết bên dưới của Mebipha nhé!
Bệnh viêm vú ở trâu, bò là bệnh gì?
Bệnh viêm vú trên trâu bò được biết đến là tình trạng vú bị viêm nhiễm liên tục trong giai đoạn cho con bú, khai thác sữa, làm giảm năng suất sữa và khả năng sinh sản. Bệnh viêm vú không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến trâu, bò bị chết. Đối với bà con chăn nuôi bò sữa, bệnh viêm vú gây thiệt hại lớn trong khai thác sữa, làm giảm năng suất sữa và khả năng sinh sản. Bò sữa có thể giảm sản lượng sữa từ 20-30%. Khi tuyến sữa bị tổn thương sẽ dẫn đến chất lượng sữa không đảm bảo và phải loại bỏ. Ngoài ra khi con non bú phải sữa bị viêm còn bị tiêu chảy, còi cọc và tăng tỷ lệ chết.
Thực tế đã cho thấy bệnh viêm vú ở trâu, bò có tổn thương gấp hai lần so với những căn bệnh sản khoa khác. Không chỉ dừng lại ở việc làm giảm chất lượng sữa mà còn để lại các biến chứng trên gia súc. Một số tổn thương cụ thể như nang tuyến vú, ống dẫn sữa, teo bầu vú,…
Nguyên nhân gây viêm vú ở Trâu, Bò
Bệnh viêm vú ở trâu bò xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tình trạng này có thể xảy ra do một hoặc lồng ghép với các tác nhân sau đây:
Thể trạng của gia súc
Trâu, bò có bầu vú chảy xệ dễ tiếp xúc với nền chuồng trại có thể dẫn đến trình trạng viêm. Bởi nền chuồng có nhiều vi khuẩn, phân, nước thải dễ dàng tiếp xúc xâm nhập vào cơ quan tiết sữa. Vì vậy bầu vú nhanh chóng phát bệnh làm giảm chất lượng sữa và nguồn dinh dưỡng dồi dào.
Môi trường
Môi trường chăn nuôi kém cũng là nguyên nhân gây nên bệnh viêm vú ở trâu, bò. Với độ ẩm thấp, chất thải của trâu bò không được xử lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển và xâm nhập gây bệnh trên vật nuôi.
Vi khuẩn
Một số vi khuẩn sau đây là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm vú như tụ cầu Staphylococcus Aureus, liên cầu Streptococcus, trực khuẩn gây mủ Bacillus Pyogenes. Ngoài những vi khuẩn này thì còn còn một số vi khuẩn khác cũng phối hợp gây bệnh như xạ khuẩn nung mủ Actinomyces Pyogenes.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh viêm vú có thể quan sát như bầu vú sưng, sốt, bỏ ăn, sờ có phản ứng đau. Khi vắt sữa khó khăn hoặc ngưng tiết sữa, sữa xuất hiện mùi lạ, hôi tanh, màu khác thường, không đồng nhất, nhiều lợn cợn. Thường gặp nhất là tình trạng sữa chuyển từ màu trắng sang xanh, vàng, đỏ.
Tùy thuộc vào từng giai đoạn mắc bệnh mà triệu chứng có thể khác nhau. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị viêm vú ở bò kịp thời sẽ dẫn đến các nguy cơ như:
- Teo bầu vú vì các tế bào tổn thương không thể phục hồi. Khả năng tiết sữa giảm dần hoặc mất hẳn.
- Xơ cứng bầu vú, xuất hiện các cục rắn chắc hoặc rắn chắc toàn bộ bầu vú.
- Hoại tử bầu vú, lở loét, chảy dịch,…
- Lây nhiễm, tử vong hàng loạt.
Điều trị
Khi phát hiện dấu hiệu trâu, bò nhiễm bệnh, cần tiến hành cách ly ngay.
Giảm khẩu phần thức ăn tinh, nhiều đạm, nhiều nước, thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Tăng cường vắt sữa 3-5 lần/ngày để thải trừ mầm bệnh ở tuyến vú. Giảm cương cứng vú.
Xoa bóp bầu vú bị viêm bằng khăn sạch thấm nước ấm.
Vệ sinh bầu vú sạch sẽ.
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ.
Sử dụng kháng sinh theo phác đồ điều trị thích hợp.
Đối với trâu, bò bị viêm vú ở giai đoạn nặng: Khi viêm ở tình trạng nặng, có mủ thì bà con cần dùng kim thông vú để bơm nước muối sinh lý vào bầu vú để rửa. Sau đó, tiêm trực tiếp kháng sinh vào bầu vú. Bên cạnh đó, bà con kết hợp chăm sóc theo chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung thêm vitamin để tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò.
Phòng bệnh viêm vú cho trâu, bò
Để phòng bệnh viêm vú hiệu quả thì bà con cần thực hiện đúng quy trình nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và tiêm phòng đầy đủ cho trâu, bò. Kiểm soát bệnh ngay từ khâu nhận đàn, cần chọn những con có hình dạng bầu vú và núm vú đẹp, cân đối. Bà con không nên chọn những con vú quá chảy xệ, núm vú nhỏ và thụt sâu vào bên trong.
Khi vắt sữa, cần thực hiện đúng kỹ thuật và sau khi vắt cần nhúng đầu vú vào dung dịch thuốc sát trùng. Thường xuyên dọn nền chuồng, chất thải của trâu bò và sát khuẩn chuồng trại.