Hiện tượng gà cắn mổ nhau là hiện tượng người chăn nuôi thường gặp khi chăn nuôi gà cả công nghiệp lẫn chăn nuôi bán công nghiệp, nhất là khi ngày nay diện tích chăn nuôi ngày càng thu hẹp, chăn nuôi công nghiệp với mật độ cao nên hiện tượng gà cắn mổ nhau xảy ra thường xuyên hơn. Hiện tượng cắn mổ nhau thường bắt đầu bằng việc mổ lông, mổ ngón chân, mổ mào, mổ đuôi và đặc biệt mổ hậu môn của nhau. Khi một con vật bị chảy máu, bị thương tích thì kích thích đồng loại tập trung vào việc mổ cắn vào vết thương và từ đây bùng nổ hiện tượng cắn mổ nhau ở cả đàn.
Hiện tượng cắn mổ nhau nếu không được phát hiện sớm và khống chế ngay từ đầu thì sau đó rất khó kiểm soát và người nuôi phải trả giá đắt vì gà chậm lớn, tỷ lệ chết cao, phẩm chất thịt kém, mẫu mã gà xấu khó được thị trường chấp nhận. Chính vì vậy, trong bài viết này, Mebipha sẽ cùng bà con tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân gà cắn, mổ lông nhau và cách khắc phục hiện tượng này.
Những nguyên nhân dẫn đến gà cắn, mổ nhau
Có rất nhiều nguyên nhân khiến gà bùng phát hiện tượng cắn mổ lông nhau. Có thể phân chia thành hai nhóm nguyên nhân do tập tính tự nhiên của gà và từ quá trình chăn nuôi.
Do tập tính tự nhiên của gà
- Bản năng sinh tồn tự nhiên của gà: trong đàn gà đông đúc, chúng luôn muốn tranh chấp vị trí thứ bậc cao thấp. Cũng giống như con người, luôn muốn làm đàn anh đàn chị để có nhiều lợi ích hơn. Do vậy hầu như đàn gà nào cũng sẽ xảy ra hiện tượng cắn lẫn mổ nhau.
- Gà thích mùi tanh: Những loài thủy sản có mùi tanh như tôm, tép, giun, dế… đều là thức ăn mà gà luôn ưa thích. Bà con nên chuẩn bị sẵn thức ăn có mùi tanh cho gà thường xuyên để tránh chúng giành giật cắn mổ lẫn nhau.
- Gà thích màu đỏ: để tìm hiểu những thứ xung quanh gà thường dùng mỏ của nó để mổ, nhất là các vật mới, lạ, nhỏ xinh và đặc biệt có màu đỏ. Chính vì vậy chỉ cần một con gà trong đàn bị cắn mổ chảy máu là các con gà khỏe mạnh khác sẽ xúm vào mổ cắn tiếp cho đến chết mới thôi.
- Thời tiết quá nóng khiến gà bị stress: khi gà bị stress thì gà rất dễ đánh nhau, dẫn đến hiện tượng mổ cắn nhau để giải tỏa cảm xúc bức bối khó chịu.
- Thời tiết mưa: là một trong những nguyên nhân đối với chăn nuôi gà thả vườn. Hàng ngày, gà được thả ra vườn chơi, tìm kiếm thức ăn, nhưng khi trời mưa chúng bị nhốt lại. Như vậy, gà phải chịu cảnh chật chội và bị stress dẫn đến cắn mổ nhau.
Từ quá trình chăn nuôi
- Gà bị thiếu hụt chất dinh dưỡng do thức ăn không đủ nhu cầu phát triển trong từng giai đoạn của gà nên gà sẽ tự tìm kiếm thức ăn xung quanh bằng việc mổ cắn lông nhau.
- Gà thèm rau xanh và các chất xơ trong giai đoạn gà mọc lông ống. Đây là nguyên nhân khiến gà dễ bùng phát bệnh cắn mổ nhau nhất.
- Mật độ đàn lớn: Thực tế đã cho thấy, mật độ nuôi càng lớn thì tỷ lệ cắn mổ nhau càng nhiều. Do chuồng nuôi và không gian chuồng chật chội sẽ hạn chế tập quán bới tìm và làm tổ của gà.
- Môi trường nuôi không đảm bảo vệ sinh: gà có thể bị ngứa toàn thân do rận mạt hay giun sán… nếu xung quanh chuồng trại dơ bẩn, có nhiều nhện, gián, chuột…
- Gà đẻ bị lòi búi trĩ: do phải đẻ nhiều, trứng to hay gặp vấn đề về sinh sản mà phần hậu môn bị lòi ra ngoài. Phần này có màu đỏ nên sẽ kích thích các con gà khác tìm hiểu rồi chúng rượt đuổi mổ cắn nhau.
- Gà có tính dữ: không cắt mỏ cho gà.
Biểu hiện
Bà con quan sát tình trạng gà cắn, mổ nhau rất đơn giản bằng mắt thường. Gà bắt đầu từ việc một số con trong đàn mổ lông nhau. Sau đó gà không dừng lại mà mổ ngón chân, mổ mào, mổ đuôi và đặc biệt mổ hậu môn của nhau, cắn xé. Không ngăn chặn thì gà còn ăn thịt ở một số bộ phận như ngón chân, mào, đuôi hay hậu môn. Đối với những con gà đã bị thương chảy máu thì rất dễ bị cả đàn tấn công cắn mổ vết thương.
Có thể thông qua một số biểu hiện để xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng cắn, mổ nhau trên gà như: Khi thấy gà cắn, mổ nhau vào thời điểm nhiệt độ trong chuồng tăng cao (thường từ 10h sáng đến 15h chiều), sáng sớm và chiều tối hầu như không xảy ra và ở mọi lứa tuổi của gà, bà con có thể xác định được môi trường và mật độ nuôi là nguyên nhân gây ra. Còn do dinh dưỡng và thức ăn gây ra thường vào lúc gà thay lông, mọc lông hoặc giai đoạn gà đẻ rộ. Gà có thể cắn mổ nhau suốt cả ngày, nhất là lúc nhiệt độ trong chuồng tăng cao, cùng với hiện tượng gà cắn mổ trứng. Trên thực tế, các nguyên nhân có thể xảy ra đan xen cùng lúc với nhau và có thể dẫn đến mức độ thiệt hại cao hơn nếu không được xử lý kịp thời.
Cách khắc phục hiện tượng gà cắn, mổ nhau
Khi đàn gà của bà con xảy ra hiện tượng cắn mổ nhau mà chưa thể tìm ra được nguyên nhân cụ thể gây ra hiện tượng này, bà con cần có giải pháp can thiệp tổng hợp cho đàn gà.
Bước đầu tiên bà con nên cách ly đàn gà nhanh chóng, những con gà cắn mổ nhau phải được cách ly ra khỏi đàn, sau đó sử dụng thuốc Xanh Methylen để bôi vào vết thương của gà nhằm phòng tránh trường hợp gà tiếp tục bị mổ, pha thêm METOSAL ORAL cho gà uống với liều 1ml/1 lít nước, cho gà uống liên tục khoảng 3 ngày và chú ý làm chuồng trại thông thoáng hơn, điều chỉnh mật độ, nhiệt độ, ánh sáng; hạn chế những tác động khiến đàn gà bị xáo trộn.
Đối với những trang trại chăn nuôi nhỏ, bà con có thể sử dụng rau xanh rửa thật sạch, bó lại thành từng bó treo quanh trang trại để gà ăn rau và không còn cắn mổ nhau nữa, bổ sung thêm khoáng vào khẩu phần ăn, trộn Lysine cùng với Methionine vào trong thức ăn của đàn gà, tăng hàm lượng đạm trong thức ăn lên, duy trì tới khi đàn gà ổn định là được.
Cuối cùng bà con cần kiểm tra máng ăn, máng uống cẩn thận để đảm bảo cung cấp đủ lượng thức ăn, nước sạch và mát cho đàn gà.
Biện pháp ngăn ngừa hiệu quả
– Để ngăn ngừa hiện tượng gà cắn mổ nhau, bà con cần chú ý điều chỉnh mật độ chăn nuôi gà phù hợp, đảm bảo chuồng trại chăn nuôi gà phải thông thoáng, hạn chế ánh nắng trực tiếp chiếu vào trong trại gà quá lâu và trong những thời điểm nắng quá gay gắt, nhiệt độ ngoài trời nắng nóng.
– Kiểm tra chất lượng thức ăn thường xuyên, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho đàn gà, nhất là trong giai đoạn mọc lông của đàn gà, khi gà hậu bị đang thay lông và giai đoạn gà đẻ trứng cho năng suất cao.
– Cung cấp đầy đủ nước uống sạch sẽ cho đàn gà, tốt nhất nên cắt mỏ gà đẻ nuôi công nghiệp trước thời gian đẻ từ 2 tới 3 tháng để đảm bảo đàn gà luôn khỏe mạnh và không xảy ra hiện tượng cắn mổ nhau.
– Gà bị hấp dẫn bởi máu và vết thương, do vậy cần nhanh chóng loại bỏ khỏi đàn những con bị thương. Hàng rào của chuồng nuôi không được có các vật sắc nhọn làm rụng lông, rách da hay gây các thương tích khác.
– Cắt mỏ: Cắt mỏ là biện pháp phổ biến để ngăn ngừa hiện tượng cắn mổ nhau ở gà. Cắt mỏ cần được thực hiện bởi những kỹ thuật viên có tay nghề, nên dùng dao nhiệt để tránh chảy máu hoặc dùng máy cắt tự động (máy có thể cắt 1.500 gà con/giờ, nhiệt độ lưỡi dao cắt 600-800oC). Gà nuôi thịt cắt mỏ lúc 10 – 12 ngày tuổi, gà hậu bị trứng cắt lúc 7-8 tuần hay 12-16 tuần. Tránh tiêm phòng hay gây stress cho gà 1 tuần trước và 2 tuần sau khi cắt mỏ.
Cắn mổ nhau là một hiện tượng phổ biến trong chăn nuôi gia cầm tập trung, hiện tượng này có thể xảy ra ngay cả khi đàn gia cầm được quản lý tốt. Tuy nhiên những biện pháp ngăn ngừa trên được đặt ra một cách chặt chẽ và nghiêm túc thì sẽ hạn chế được hiện tượng này.