Bệnh tụ huyết trùng trên vịt, ngan là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Pasteurella multocida họ Pasteurellaceae gây ra. Bệnh mang tính địa phương và xảy ra khắp nơi trên thế giới, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Bệnh được tìm thấy phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới, trong đó cỏ nước ta. Trong bài viết này Mebipha sẽ cùng bà con tìm hiểu rõ về căn bệnh này nhé!
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh xảy ra ở vịt, ngan mọi lứa tuổi; lúc bị stress hoặc lúc giao mùa bệnh diễn biến nhanh và gây tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường do các nguyên nhân sau:
Do con vật đang nung bệnh truyền cho những con khác.
Do các chất thải của gia cầm bệnh và nước rửa khi mổ thịt gia cầm chết dịch cũng là nguyên nhân làm bệnh lây lan. Vi khuẩn xâm nhập theo đường tiêu hóa, hô hấp, vết thương ngoài da,… Cũng có thể bệnh tụ huyết trùng xảy ra tự phát, đó là do gia cầm khỏe có mang sẵn vi khuẩn Pasteurella trong cơ thể, rồi chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh hay các biến đổi về sức khỏe bên trong cơ thể – làm giảm sức đề kháng, vi khuẩn cùng với ký sinh trùng trong cơ thể sẽ tăng độc lực và gây ra bệnh.
Điều kiện chăn nuôi, dinh dưỡng kém, vệ sinh không tốt là những yếu tố gây bệnh tụ huyết trùng trên vịt, ngan. Việc kiểm soát công tác nhập đàn không tốt có thể gây ra tình trạng lây lan bệnh cho cả đàn vịt khỏe mạnh.
Triệu chứng bệnh tụ huyết trùng
Vịt, ngan khi mắc bệnh tụ huyết trùng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào độc lực của bệnh. Chính vì thế mà sẽ có những biểu hiện bệnh ở từng thể bệnh sau đây:
– Thể quá cấp tính: Ở thể này bệnh gây chết nhanh đến nỗi không quan sát được triệu chứng. Thông thường đàn vịt đang khỏe mạnh đột nhiên ủ rũ, sốt cao và chết sau đó 1-2 giờ. Tỷ lệ chết có thể tới 50% trên tổng đàn vịt, ngan. Vịt đẻ thường vỡ trứng và chết.
– Thể cấp tính: Vịt, ngan có triệu chứng bỏ ăn, xù lông, vịt ủ rũ, xiêu vẹo, đi lại chậm chạp hoặc bị liệt chân. Hiện tượng đi kèm như mũi, miệng chảy ra nước nhầy, sủi bọt lẫn máu màu đỏ sẫm. Trong thời gian vịt bệnh có thể ỉa chảy, phân lỏng đen xám, xanh hoặc vàng. Vịt sốt 43-440C, khát, nằm bẹp. Vi khuẩn tấn công hệ hô hấp của vịt, ngan làm khó thở, mặt tụ máu, không có triệu chứng thần kinh, bại liệt. Sau đấy chết do ngạt thở từ 2-5 ngày, tỷ lệ chết thường cao về đêm. Bệnh xảy ra trên vịt đẻ làm trứng non méo mó.
– Thể mãn tính: Vịt, ngan có biểu hiện gầy còm, da bọc xương do bệnh tác động vào nhiều cơ quan phủ tạng trong cơ thể. Trong đó thì gan bị viêm hoại tử mãn tính gây rối loạn cơ năng, cổ chân bị viêm mãn tính, đôi khi thấy viêm màng não, khớp đùi, đầu gối, và có triệu chứng thần kinh.
Bệnh tích
Khi mổ khám, thấy vịt có những bệnh tích sau:
– Trường hợp cấp tính: Màng tim bị viêm có dịch vàng; màng gan bị viêm có lớp dịch fibrin mỏng; túi khí thường hơi đục hoặc dày lên ở một số điểm; xuất hiện tụ máu và xuất huyết ở các tổ chức liên kết dưới da, các xoang và cơ quan trong cơ thể; phổi tụ máu.
– Trường hợp mãn tính: Màng tim, màng gan, túi khí viêm nặng và dai, chắc và khó cắt, lớp bã đậu trắng bao phủ toàn bộ mặt trước của phổi; ở xoang mắt cũng xuất hiện chất bã đậu trắng; buồng trứng, ống dẫn trứng bị viêm, sưng to, màu vàng nhạt, chứa đầy nước.
Phòng bệnh
Để phòng tránh bệnh tụ huyết trùng trên vịt, ngan nên tiêm ngừa vaccine 1ml/con, tiêm dưới da vịt khỏe mạnh trên 1 tháng tuổi.
Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng vào mùa hè, kín ẩm vào mùa đông, không bị mưa tạt gió lùa;
Sát trùng chuồng trại định kỳ 1 tuần/lần.
Tẩy uế chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng và để trống chuồng từ 2 đến 4 tuần mới nuôi trở lại.
Nuôi vịt, ngan với mật độ thích hợp.
Cho vịt, ngan ăn uống đầy đủ dưỡng chất đảm bảo vệ sinh. Thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất… để tăng cường sức đề kháng cho vịt, ngan.
Lưu ý, khi nhập đàn mới cần cách ly 2 tuần, tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm mới cho nhập đàn.