Chế độ dinh dưỡng cho heo con rất quan trọng trong giai đoạn bắt đầu phát triển. Để đảm bảo đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng cho heo con, bà con chăn nuôi cần quan tâm đến các dưỡng chất như: protein, năng lượng, vitamin, khoáng và các chất dinh dưỡng bổ sung khác. Các nhóm thức ăn cần thiết cho heo:
Nhóm thức ăn giàu tinh bột
Thức ăn giàu năng lượng là thức ăn cơ bản nhất trong chăn nuôi heo, bao gồm: Các loại hạt ngũ cốc, cám, khoai, sắn, rỉ mật đường… Chất bột cung cấp nhiệt lượng để cơ thể điều hòa, cân bằng nhiệt và cung cấp nhiệt năng cho mọi hoạt động của heo. Ăn nhiều tinh bột cơ thể sẽ chuyển hóa thành mỡ dự trữ, heo béo nhanh do tích lũy mỡ. Thiếu chất bột cơ thể không hấp thu được đạm, heo gầy nhanh, dễ kiệt sức. Một số đặc điểm của các sản phẩm chứa tinh bột:
Cám: Là thành phần dinh dưỡng chính trong thức ăn tinh của heo. Trong khẩu phần, cám chiếm tỷ lệ không quá 25% đối với heo con, heo ăn quá nhiều cám dễ tiêu chảy.
Ngô: Là thức ăn nhiều tinh bột có giá trị. Ngô cũng không để lâu được dễ sinh nấm mốc và mất các vitamin như Vitamin A có trong ngô vàng.
Tấm: Là loại tinh bột có giá trị. Cho heo ăn sống, tấm cần được nghiền nhỏ để dễ tiêu. Với heo con tấm cần được nấu chín. Heo ăn tấm thịt chắc và có màu trắng.
Thức ăn củ: Sắn, khoai, dong riềng tuy có nhiều tinh bột, nhưng thiếu một số chất khác nên không thể thay thế được tấm, cám, ngô trong khẩu phần ăn của heo.
Các phụ phẩm:
– Dấm bỗng, bã đậu cung cấp năng lượng, một ít số sinh tố và đạm.
– Bã bia có tinh bột, đạm, khoáng, sinh tố nhưng không thể thay thế thức ăn chính. Chủ yếu dùng nuôi heo thịt.
– Rỉ mật đường cung cấp năng lượng, đạm ít, khoáng nhiều nhưng ăn không quá 5 – 10% trong khẩu phần hàng ngày, nếu ăn nhiều quá dễ tiêu chảy và khát nước.
Nhóm thức ăn giàu đạm (protein)
Chất đạm hay protein là một trong những dinh dưỡng thiết yếu đối với sự phát triển của heo con. Nếu không được cung cấp đủ lượng protein cần thiết, heo sẽ chậm phát triển, dễ mắc bệnh, chậm lớn, gặp vấn đề trong việc hấp thu và chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể.
Nguồn đạm chính của cám heo là các loại bột thực vật và động vật. Dưới đây là thành phần dinh dưỡng có trong các loại bột đạm trong thức ăn chăn nuôi heo (bột cá: 51%, bột thịt: 59%, bột đậu phộng: 35%, bột đậu nành: 33%, bánh dầu dừa: 18%, bột đậu xanh: 14%).
Protein giúp tạo ra các phân tử trong thịt, xương, lông da, phát triển tế bào để heo tăng trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, hàm lượng protein cũng không thể vượt quá 10% trong khẩu phần ăn hàng ngày. Protein do nhiều axit amin như Lysine, Methionine, Tryptophan, Arginine, Valine… tạo thành. Trong protein động vật (bột cá, bột tôm…) có gần đủ các axit amin nói trên, nhưng trong protein thực vật lại thiếu một số axit amin cần thiết. Vì thế, trong chăn nuôi heo người ta thường phối hợp cả 2 loại protein động thực vật để bổ sung cho nhau và hạ giá thành thức ăn.
Nhóm thức ăn giàu khoáng
Chất khoáng rất cần cho cơ thể heo. Khoáng góp phần tạo tế bào, điều hòa sự hoạt động của các cơ quan nội tạng, đồng hóa thức ăn protein và chất béo. Thiếu khoáng khiến năng suất thịt giảm, heo bị còi cọc, tạo điều kiện phát sinh các bệnh như yếu chân, bại liệt. Tỷ lệ chất khoáng trong khẩu phần ăn 0,5 – 1%. Các chất khoáng gồm 2 nhóm: Khoáng đa lượng và khoáng vi lượng. Khoáng đa lượng, gồm một số như Ca (canxi), P (phốt pho), Cl (Clo), Mg (magiê).
– Canxi (Ca): Ca cùng với phốt pho (P) cấu tạo nên xương, răng và có trong máu, trong tế bào. Nguồn cung cấp canxi cho heo thường là vôi bột (vôi tã), vỏ sò nghiền sống, mai mực…
– Phốt pho (P): Cùng với Ca giúp cho heo nái dễ thụ thai, heo thịt phát triển xương. Tác dụng của P thường cân đối với Ca như sau: Ca/P = 1,4.
– Khoáng vi lượng: Gồm Iod, đồng, sắt, coban, mangan. Số lượng khoáng vi lượng trong cơ thể heo cần rất ít nhưng tác dụng rất lớn. Trong thức ăn thực vật, rau cỏ tươi có nhiều khoáng vi lượng. Nhu cầu các chất khoáng vi lượng trong thức ăn hỗn hợp cho heo tính theo thức ăn khô không khí (NRC 1998).
Nhóm thức ăn giàu vitamin
Cơ thể heo con còn cần các loại vitamin để phát triển, sinh sản và phòng ngừa bệnh tật, tỷ lệ vitamin trong khẩu phần ăn 0,5 – 1%. Các vitamin vào cơ thể heo dưới dạng premix bổ sung hoặc qua nguồn thức ăn hàng ngày, gồm:
– Vitamin A: Có trong ngô vàng, cám gạo, các loại rau cỏ tươi non, trong dầu gan cá. Thiếu Vitamin A heo còi cọc, chậm lớn, mặt sưng, mắt khô, heo đi đứng xiêu vẹo, chân cứng đơ,, heo con tiêu chảy, chết dần.
– Vitamin B: Chủ yếu là B1 và B2. Những vitamin này có trong cám gạo, bột cá, bột đỗ tương, lạc, các loại men, bã bia rượu. Vitamin B1 có tác dụng tham gia đồng hóa thức ăn bột đường. Thiếu Vitamin B1 và B2 heo ăn ít, xuống cân, chân đi không vững; Heo yếu chân sau.
– Vitamin D: Có tác dụng đồng hóa Ca, P. Thiếu Vitamin D heo con gầy yếu, khớp xương sưng, xương mềm làm heo què, lê trên đầu gối hai chân trước, kêu la và mặt sưng phù.
Dinh dưỡng cho heo con và cách cho heo ăn.
Ở giai đoạn tập ăn nên cho heo con ăn thành nhiều bữa/ngày. Sau cai sữa, cho heo con ăn theo bữa và đúng giờ. Ví dụ ngày cho ăn 3 bữa thì khoảng cách giữa các bữa ăn phải tương đối đồng đều nhau.
- Bữa sáng cho ăn vào lúc 6-7 giờ.
- Bữa trưa là 11-12 giờ.
- Bữa tối khoảng 17 hoặc 18 giờ.
Thức ăn của heo con phải đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, dễ tiêu hoá.
Không thay đổi đột ngột thức ăn, nếu cần thay đổi thức ăn thì nên thay đổi từ từ trong 3-4 ngày, như vậy heo mới quen dần với mùi vị thức ăn mới và không bị tiêu chảy.